Làng gốm cổ truyền Kim Lan (xã Kim Lan - Gia Lâm - Hà Nội) nằm cùng dải sông Hồng chỉ cách Bát Tràng một con kênh đào. Ngôi làng này vào thế kỷ XIII - XIV là nơi sản xuất những sản phẩm gốm sứ của An Nam cho Nhật Bản. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm Kim Lan phát triển lúc thịnh lúc suy. Theo chân người phụ trách gốm của xã, tôi đến những hộ gia đình còn giữ nghề, nhìn những người say nghề là biết ngay, dù đã giới thiệu có nhà báo đến nhưng họ kệ, vẫn miệt mài với những cái chén, cái vòi. Bàn tay họ thoăn thoắt thực hiện các khâu từ nhào đất đến lên khuân, nặn, vẽ, tráng men... Quan sát họ làm việc, tôi mới thấy nghề cổ truyền lao động thật vất vẻ mà thu nhập không đáng là bao.
Gốm Kim Lan không quá cầu kỳ về họa tiết, không sáng bóng như gốm Bát Tràng, cũng không mang màu nâu đỏ như gốm Phù Lãng mà nó mang một bản sắc rất riêng, theo đúng nghĩa của hai từ đơn giản. Nó đơn giản không chỉ bởi nó đem lại sự tiện lợi, thoải mái cho người sử dụng mà còn nhẹ nhàng, chất phác như chính con người nơi đây vậy. Thời kinh tế thị trường, nước ta mở cửa với mọi ngành nghề, gốm Kim Lan không tránh khỏi suy nghĩ một bên là miếng cơm manh áo, một bên là nghề cổ truyền cha ông để lại. Gốm Kim lan phải cạnh tranh với các loại gốm khác nhất là gốm Trung Quốc, những con người của làng nghề không thể chống chọi khi giá cả nguyên vật liệu leo thang, giá đầu ra không đủ cho chi phí, khiến họ phải lên thành phố lao động theo mùa vụ, từ chỗ cả làng có trên 700 lò, đến nay chỉ còn gần 300 lò. Đứng trước thực trạng đó, những người yêu nghề, họ day dứt lắm. Có lẽ họ không cam chịu để mất đi cái nghề một thời làm cho cuộc sống của họ trở nên sung túc hơn. Điều đáng mừng cho gốm Kim Lan là lớp già bỏ nghề thì lớp trẻ lại tìm đến và muốn phát triển nghề. Anh Phạm Văn Hà, 38 tuổi ( chủ cơ sở Gỗm mỹ nghệ Hà Chuyên) tâm sự: "Giờ để gốm Kim Lan phát triển được thì rất khó nhưng mình là người con của làng nghề nên mình phải có trách nhiệm với nó". Là chủ một cơ sở nhỏ thôi nhưng anh Hà cùng với người vợ trẻ của mình đã cố gắng tìm ra hướng đi riêng cho những sản phẩm, vẫn chuyên biệt về gốm da dụng nhưng phải thay đổi về phong cách, đầu tư nhiều về công sức, vốn... để sản phẩm khi ra lò phải đảm bảo về đúng kỹ thuật, mỹ thuật cao. Ngoài ra, anh còn làm cả gốm mỹ nghệ để người tiêu dùng biết rằng bên cạnh làng gốm Bát Tràng còn có làng gốm mang tên Kim Lan. Hiện anh đang triển khai những bước cuối cùng của website về cơ sở gốm của mình. Với sự cổ vũ, động viên của chính quyền xã, những người trẻ đã tìm lại hướng đi cho nghề truyền thống của làng. Ông Nguyễn Đức Trí (PCT UBND xã Kim Lan) cho biết: "chúng tôi biết thời hội nhập gốm Kim Lan khó có thể tồn tại trên thị trường nếu không đổi mới tư duy, công nghệ kỹ thuật và quan trọng là tâm huyết của mỗi người chứa đựng trong mỗi sản phẩm". Vậy là gốm Kim Lan chuyển mình, khi ra lò được tham gia các hội chợ. Với sự giúp đỡ của đôi vợ chồng khảo cổ học người Nhật NISHIMURA - NORICO, Đại sứ quán Nhật, xã Kim Lan sẽ có một bảo tàng nhỏ để trưng bày các di vật, cổ vật được khai quật tại bãi Hàm Rồng (ven Sông Hồng) cùng với nghề gốm cổ truyền nhằm thu hút khách du lịch.
Rời làng, khi những mẻ gốm đến ngày ra lò, ông Phó chủ tịch xã kiêm phụ trách về gốm nói: "Kim Lan sẽ phát huy nghề gốm sứ cổ truyền, xây dựng làng nghề có thể đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho con em trong làng". Tôi hi vọng, gốm Kim Lan dưới bàn tay của những người trẻ tuổi có lòng yêu nghề cùng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền và các chuyên gia khảo cổ, sẽ làm được điều đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét